Thứ Hai, 19 tháng 1, 2015

[C&E] PHÁT HUY QUYỀN VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CỘNG ĐỒNG DÂN TỘC THIỂU SỐ TRONG QUẢN LÝ RỪNG TỰ NHIÊN Ở MIỀN TRUNG VIỆT NAM


Bùi Thị Thanh Thủy, Hoàng Thanh Tâm, và Trương Minh Đến
Trung tâm Phát triển Sáng kiến Cộng đồng và Môi trường (C&E)
  1. Giới thiệu
Rừng cộng đồng đã tồn tại như là một phần của truyền thống địa phương. Nó gắn các lợi ích của người dân với tín ngưỡng tâm linh và tôn giáo của cộng đồng và đóng một vai trò quan trọng trong đời sống và văn hóa của các nhóm dân tộc thiểu số. Để thúc đẩy lợi ích của cộng đồng và vai trò của họ trong sự bền vững của rừng, từ những năm 1990 nhà nước Việt Nam đã bắt đầu triển khai giao rừng cho cộng đồng quản lý và sử dụng lâu. Theo số liệu thống kê năm 2011, Việt Nam có tổng diện tích rừng là 13.565 triệu hecta, trong đó đã giao 11,4 triệu hecta cho các chủ rừng gồm các tổ chức nhà nước, các công ty tư nhân, cộng đồng dân cư thôn và các hộ gia đình (Bộ NN&PTNT, 2012).
Tuy nhiên, quá trình thể chế hóa và thực hiện các chính sách có nhiều khó khăn và vấn đề như địa vị pháp lý của cộng đồng chưa rõ ràng. Các quyền lợi và trách nhiệm pháp lý của cộng đồng như một chủ rừng thực sự vẫn chưa được Nhà nước thừa nhận. Hệ thống chính sách về quyền của người dân để tiếp cận, quản lý và sử dụng rừng tự nhiên vẫn còn khác biệt với thực tiễn nên những chính sách này mới chỉ dừng lại ở văn bản/giấy tờ. Ví dụ người dân ít được tiếp cận với các dịch vụ công, quỹ tín dụng, các hoạt động đầu tư từ chính phủ hoặc các tổ chức, đặc biệt là không hiểu được quyền lợi và trách nhiệm của mình đối với khu rừng được giao.
Hoạt động bảo vệ rừng, hay bảo tồn đa dạng sinh học chỉ có hiệu quả khi có sự tham gia một cách đầy đủ của người dân. Bài toán đặt ra là làm thế nào để huy động sự tham gia của cộng đồng vào công tác giao đất giao rừng hiệu quả. Nâng quyền và trách nhiệm của cộng đồng đối với chính rừng của người dân sẽ là một lời giải cho bài toán này.
Được sự hỗ trợ của Viện Rosa Luxemburg Stiftung (RLS) vùng Đông Nam châu Á, Trung tâm Phát triển Sáng kiến Cộng đồng và Môi trường đã phối hợp với hai đối tác địa phương là Hội Khoa học Kĩ thuật Lâm nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế và Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam triển khai dự án “Quản lý bền vững rừng tự nhiên thông qua nâng cao nhận thức và năng lực để cải thiện việc sử dụng quyền và địa vị pháp lý của người dân tộc thiểu số đối với rừng tự nhiên tại miền Trung Việt Nam”.
Dự án đã góp phần nâng cao hiểu biết của người dân liên quan các chính sách lâm nghiệp cộng đồng của nhà nước và chính quyền địa phương. Đặc biệt, người dân đã chủ động trong việc tìm hiểu thông tin, tiếp cận với các bên liên quan để tìm hiểu về những vấn đề liên quan về quyền lợi và trách nhiệm đối với rừng được giao. Ngoài ra, nhận thức của phụ nữ cũng được nâng cao thông qua các buổi tập huấn, đối thoại chính sách hay tham quan học tập mô hình.
Sự thành công được đánh giá cao nhất sau ba năm thực hiện dự án chính là mô hình quản lý rừng bền vững từ Câu lạc bộ (CLB). Dự án đã hỗ trợ thành lập hai CLB sử dụng rừng thân thiện môi trường tại thôn Aréh, xã Tà Lu và thôn Xà Nghìn I, xã Zà Hung thuộc huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam. Hỗ trợ kiện toàn Ban quản lý bảo vệ rừng cộng đồng tại bản Khe Trăn, xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Các CLB/BQL được nâng cao nhận thức và năng lực bằng nhiều hoạt động khác nhau như tập huấn, tọa đàm, cuộc thi tìm hiểu kiến thức, hay tham quan học tập. Rừng cộng đồng được quản lý tốt hơn từ mô hình này.
  1. Cách tiếp cận của dự án
Tối đa hóa sự tham gia của địa phương, đặc biệt là cộng đồng, trong quá trình thiết kế và thực hiện dự án là cách tiếp cận xuyên suốt của dự án. Các nhóm mục tiêu đã tham gia vào dự án ngay từ giai đoạn thử nghiệm năm 2011 và năm 2012 là giai đoạn đầu tiên của dự án ba năm 2012-1014 thông qua các hoạt động như điều tra đánh giá nhu cầu đào tạo, 2 hội thảo cấp tỉnh trong năm 2011, và nghiên cứu khảo sát tình hình thực tế vào tháng 6 năm 2012. Kết quả của các hoạt động này đã được sử dụng trong thiết kế các hoạt động dự án, gồm đào tạo và triển khai các mô hình sử dụng rừng thân thiện với môi trường.
Những tri thức bản địa, luật tục và hương ước về quản lý bảo vệ và phát triển rừng tại cộng đồng dân cư thôn được vận dụng một cách linh hoạt vào các hoạt động của dự án. Nhằm đảm bảo rằng dự án luôn tôn trọng những nét đẹp truyền thống về văn hóa, tâm linh tại địa phương liên quan rừng cộng đồng.
Nhóm mục tiêu cũng đã và sẽ tiếp tục tham gia vào quá trình theo dõi và đánh giá dự án, cung cấp thông tin phản hồi, quan sát và đề xuất để cải thiện việc thực hiện dự án và mục tiêu chung là quản lý bền vững rừng. Hoạt động tập huấn đã sử dụng cách tiếp cận có sự tham gia và lấy học viên làm trung tâm, kết hợp lý thuyết với thông tin và các vấn đề thực tế địa phương được áp dụng trong các khóa học. Sự tham gia cũng được xem như một cơ hội cho cả nam và nữ những người có đủ khả năng, điều kiện và cơ hội thể hiện quyền lợi của mình, để giúp họ xem xét và rút ra bài học từ sự hiểu biết của họ.
Dự án lồng ghép các vấn đề giới thông qua thiết kế và thực hiện, đảm bảo rằng phụ nữ dân tộc thiểu số vốn là một nhóm yếu thế sẽ tham gia bình đẳng như nam giới vào tập huấn, hội thảo, thực hiện mô hình sử dụng rừng thân thiện với môi trường và các hoạt động liên quan khác. Cụ thể, nữ được khuyến khích tham gia trong tất cả các hoạt của dự án với tối thiểu 20-25%, bày tỏ ý kiến của riêng mình, đại diện cho nhóm trình bày kết quả thảo luận, đại diện cho cộng đồng với vai trò là người lãnh đạo,…
Sự tham gia của cộng đồng là xuyên suốt quá trình của dự án và trong tất cả các cấp quản lý xã, huyện, tỉnh và địa phương. Cộng đồng được thể hiện những quan điểm, chính kiến và chia sẻ những kinh nghiệm trong hoạt động tọa đàm cấp xã, hội thảo cấp tỉnh hay trung ương. Qua đó nâng cao vị thế và vai trò của cộng đồng trong tiến trình quản lý rừng tại Việt Nam.
Những việc trên cùng với cách tiếp cận dựa trên quyền và mô hình sử dụng rừng thân thiện môi trường là nguồn động lực và trao quyền là chìa khóa để đảm bảo và tăng cường sự tham gia của nhóm mục tiêu. Kết quả là các nhóm mục tiêu đã hiểu thêm về quyền và trách nhiệm của họ. Và cộng đồng đã bắt đầu thực hiện các quyền và trách nhiệm hiệu quả hơn.
  1. Kết quả dự án
Sau ba năm thực hiện dự án tại hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam, dự án đã đạt được các mục tiêu đề ra ban đầu. Cụ thể:
-       Nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân tộc thiểu số tại Thừa Thiên Huế và Quảng Nam về quyền lợi và trách nhiệm đối với rừng được giao;
-       Trợ giúp cộng đồng dân tộc thiểu số địa phương phát triển phương thức sinh kế dựa vào rừng phù hợp với địa phương và thân thiện với môi trường;
-       Tăng cường năng lực cho cộng đồng địa phương về công tác giao đất giao rừng có sự tham gia;
-       Vận động chính sách cho mô hình rừng cộng đồng – đảm bảo cân bằng lợi ích môi trường và lối sống truyền thống của cộng đồng địa phương.
Bảng 1: Khung hoạt động của dự án trong ba năm
Stt
Hoạt động
Thời gian
2012
2013
2014
1
Nâng cao nhận thức cho người dân



1.1
Điều tra, nghiên cứu, đánh giá hiện trạng địa phương
x


1.2
Tập huấn nâng cao nhận thức về quyền lợi và trách nhiệm của người dân trong quản lý sử dụng rừng, kỹ năng lập kế hoạch, làm việc nhóm
x


2
Phát triển các phương thức sinh kế dựa vào rừng thân thiện môi trường



2.1
Tập huấn về phương thức sinh kế dựa vào rừng thân thiện môi trường
x
x

2.2
Hỗ trợ một số mô hình sử dụngrừng thân thiện môi trường

x

3
Tăng cường năng lực cộng đồng về tiến trình giao đất giao rừng có sự tham gia



3.1
Rà soát tài liệu về tiến trình giao đất giao rừng tại vùng dự án

x

3.2
Xây dựng các số tay hướng dẫn, tờ rơi, liên quan đến GĐGR có sự tham gia


x
3.3
Tập huấn cung cấp các thông tin, kiến thức cho người dân về tiến trình GĐGR có sự tham gia


x
4
Vận động chính sách cho mô hình dự án



4.1
Hội thảo cấp tỉnh
x
x

4.2
Hội thảo cấp quốc gia


x
4.3
Tài liệu hóa và phổ biến các tài liệu của dự án
x
x
x
Dự án đã tổ chức hai cuộc khảo sát tại 2 tỉnh dự án để đánh giá mức độ hiểu biết, nhận thức của người dân về các chính sách liên quan giao đất giao rừng. Ngoài ra dự án còn tiến hành một nghiên cứu rà soát tài liệu văn bản pháp lý về tiến trình giao đất giao rừng cho cộng đồng tại hai địa phương Quảng Nam và Thừa Thiên Huế. Trên cơ sở các nghiên cứu này dự án đã thiết kế các hoạt động can thiệp phù hợp với điều kiện địa phương và nguyện vọng của cộng đồng. Với sự hình thành hai CLB sử dụng rừng thân thiện môi trường thôn Aréh và thôn Xà Nghìn I và hỗ trợ kiện toàn Ban quản lý rừng cộng đồng bản Khe Trăn để giúp chia sẻ thông tin đến người dân hiệu quả hơn. Hàng tháng các CLB này tự tổ chức các buổi chia sẻ những hoạt động liên quan bảo vệ rừng, thảo luận công việc sắp tới,...ngoài ra dự án có thiết kế các phương tiện truyền thông như Pano, hay cung cấp các tủ sách, tờ rơi và sách hướng dẫn để cung cấp thông tin cho người dân. Tất cả các hoạt động này nhằm mục đích nâng cao nhận thức của người dân về tiến trình giao đất giao rừng tại địa phương, quyền lợi và trách nhiệm của cộng đồng trong hoạt động quản lý bảo vệ và phát triển rừng.
Để trợ giúp cộng đồng phát triển các phương thức sinh kế dựa vào rừng thân thiện môi trường. Trong ba năm, dự án đã tổ chức các lớp tập huấn liên quan lâm sinh, cách thức quản lý tài chính và công việc như thế nào cho hiệu quả,... Ngoài ra dự án đã tổ chức các buổi tham quan học tập tới các địa phương khác có mô hình hiệu quả liên quan quản lý rừng cộng đồng hay sinh kế dựa vào rừng để người dân tìm hiểu, áp dụng tại địa bàn của thôn.
Tăng cường năng lực cho cộng đồng là một trong những mục tiêu quan trọng của dự án. Nhiều lớp tập huấn liên quan tiến trình giao đất giao rừng có sự tham gia, hay hướng dẫn cho cộng đồng thực hiện như thế nào sau quá trình giao đất giao rừng, các lớp ngoại nghiệp và nội nghiệp được triển khai cho cộng đồng. Hình thức tổ chức đa dạng như tại nhà GươL, hay trong rừng của cộng đồng, lớp tập huấn mang tính thực tiển cao,...Sự tham gia của phụ nữ là một trong những mục tiêu đặt ra của các lớp tập huấn. Phụ nữ được tham gia vào tất các các lớp tập huấn và hoạt động khác của dự án. Điều này giúp vai trò của phụ nữ tại cộng đồng được nâng cao. Ngoài ra dự án đã hỗ trợ các vật tư như bàn ghế, tủ sách, hay loa cầm tay để giúp năng lực các thành viên trong CLB/Ban quản lý rừng cộng đồng phát huy tốt nhất.
Trong ba năm hoạt động, dự án đã tổ chức nhiều hoạt động liên quan vận động chính sách, bao gồm một hội thảo cấp Trung ương, hai hội thảo cấp tỉnh và nhiều buổi tọa đàm cấp xã. Hoạt động này là cơ hội giúp cộng đồng dân cư thôn được tiếp cận với các nhà hoạch định chính sách lâm nghiệp cấp trung ương và địa phương. Người dân được thảo luận với cán bộ xã, thôn và cán bộ kiểm lâm về những hoạt động liên quan. Chia sẻ những khó khăn để cùng tìm cách giải quyết. Qua đó, chứng minh cộng đồng dân cư thôn là nhân tố quan trọng nhất trong toàn bộ tiến trình quản lý bảo vệ và phát triển rừng cộng đồng tại Việt Nam.
Kết quả cụ thể ba năm của dự án được chúng tôi thể hiện qua hình ảnh dưới đây:



  1. Phát huy quyền và trách nhiệm của cộng đồng từ hoạt động của dự án
4.1.            Phát huy quyền của cộng đồng
Tham gia là quyền cơ bản của cộng đồng. Mô hình CLB sử dụng rừng thân thiện môi trường khuyến khích tất cả người dân trong thôn tham gia vào quá trình quản lý bảo vệ và phát triển rừng. CLB được thành lập và hoạt động theo cơ chế dân chủ. Người dân tự nguyện tham gia vào CLB, các thành viên trong CLB tự bình bầu Ban chủ nhiệm (1 chủ nhiệm, 2 phó chủ nhiệm, 1 thư ký), CLB sẽ tự xây dựng quy chế hoạt động, và đã nhận được sự đồng thuận của chính quyền địa phương.
Trong các buổi tọa đàm về chính sách, về cơ chế phối hợp giữa CLB sử dụng rừng thân thiện môi trường với các bên liên quan như Ban quản trị thôn, UBND xã, hay Kiểm lâm,…Cộng đồng dân cư đã biết, hiểu và thực hiện các thông tư chính sách liên quan lâm nghiệp cộng đồng (Ví dụ: Thông tư 23 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quy định về cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt là rừng sản xuất). Họ đã mạnh dạn hơn trong việc chia sẻ các hoạt động, những khó khăn trong quá trình hoạt động quản lý bảo vệ rừng của cộng đồng. Đã đưa ra những đề xuất để kêu gọi sự hỗ trợ từ các bên liên quan. Qua đó, tiếng nói của cộng đồng dân cư thôn được nâng lên.
Sau quá trình tham gia các hoạt động của dự án, đến nay CLB đã biết cách lập kế hoạch hoạt động quản lý bảo vệ rừng và sản xuất theo năm, quý. Họ tự xây dựng quy ước quản lý bảo vệ và phát triển rừng của thôn và được chính quyền thông qua. Họ đã biết viết một đơn đề nghị, công văn gửi đến các cơ quan liên quan đề nghị về lợi ích của họ trong sản xuất và cuộc sống. Các cuộc thi tìm hiểu kiến thức về lâm nghiệp cộng đồng, hay họp hàng tháng được cộng đồng tổ chức thường xuyên.
Bên cạnh đó người dân biết được quyền khi quản lý rừng cộng đồng: 8 quyền chung của chủ rừng và 4 quyền hưởng lợi và một số quyền khác như quyền được học kỹ thuật trồng trọt chăn nuôi; quyền được tham quan mô hình, quyền được sản xuất, ....Biết được cá nhân/tổ chức nào có trách nhiệm/nghĩa vụ đáp ứng quyền của mình. (Ví dụ muốn được cấp giấy CNQSD đất, rừng thì phải đến UBND huyện; muốn được học kỹ thuật trồng trọt chăn nuôi thì đến Trạm khuyến nông lâm; muốn được học luật BVPTR thì đến hạt kiểm lâm; muốn được học luật đất đai thì đến Phòng TNMT) hoặc để thực hiện quyền của mình cộng đồng chủ động, mạnh dạn đề nghị đúng nơi, đúng chỗ, phải có kế hoạch, phải lý giải cho được tại sao mình lại đề nghị việc đó?, để làm gi... Biết mình không thực hiện được quyền gì, tại sao mình lại không thực hiên được. Biết ai (cá nhân/tổ chức có trách nhiệm giải quyết quyền cho mình; tại sao họ lại không thực hiện được) Nếu cơ quan chức năng chưa đáp ứng, sẽ có kế hoạch đề nghị lần 2. Nếu vẫn chưa đáp ứng được hãy đề nghị cấp cao hơn; hoặc đề nghị với đại diện của mình là Đại biểu HĐND, Đại biểu QH.
Quyền và trách nhiệm có mối tương quan với nhau. Có quyền thì cũng sẽ phải có trách nhiệm. Người dân đã cảm thấy họ là chủ rừng thực sự và một điều chắc chắn rằng rừng được quản lý bền vững hơn.
Thành phần phụ nữ chiếm số lượng lớn trong các CLB, họ tham gia vào tất cả các hoạt động của dự án và địa phương. Trong các lớp tấp huấn, tọa đàm, sinh hoạt hàng tháng của CLB,…luôn  có sự tham gia của phụ nữ và vai trò của họ luôn được thể hiện ở một vị thế ngang bằng với nam giới. Sự khuyến khích tham gia của phụ nữ đã giúp năng lực của họ được nâng cao.
Cộng đồng được cung cấp thông tin một cách đầy đủ về các vấn đề giao đất giao rừng tại Việt Nam và địa phương, các thông tin liên quan sử dụng luật tục, hương ước hay quy ước quản lý bảo vệ và phát triển rừng cộng đồng,…Đặc biệt là thông tin về quyền khai thác gỗ và lâm sản ngoài gỗ trong khu rừng được giao. Như khai thác gỗ vì mục đích thương mại, vì mục đích sử dụng tại chổ, tận dụng các loại gỗ đứng đã chết khô, lâm sản ngoài gỗ,…
Sự tham gia của cộng đồng được nâng lên, vị thế của người dân và vai trò của phụ nữ và nam giới được cải thiện. Đó là những hiệu quả mang lại từ các hoạt động của dự án sau ba năm thực hiện tại các địa bàn dự án.
4.2.            Nâng cao trách nhiệm của cộng đồng
CLB sử dụng rừng thân thiện môi trường thành lập theo quyết định của UBND xã và chịu sự giám sát của UBND, thường xuyên có báo cáo cho cán bộ kiểm lâm địa bàn, xã.
Một nét đặc thù của cộng đồng dân tộc vùng thiểu số trong quản lý bảo vệ và phát triển rừng chính là sử dụng các luật tục, hương ước tốt đẹp. Việc lồng ghép những luật tục, hương ước này vào trong quy ước đã được người dân thực hiện một cách hệ thống. Quy ước này mang tính pháp lý cao, được công nhận bởi UBND huyện. Do đó, cộng đồng dân cư thôn được giao đất giao rừng có trách nhiệm trong việc tổ chức các hoạt động như đã thống nhất trong quy ước và thường xuyên có liên lạc, báo cáo với cán bộ địa phương.
Cộng đồng dân cư được nhận đất rừng sẽ có trách nhiệm tổ chức hoạt động tuần tra bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy theo định kì. Các kỹ năng liên quan ngoại nghiệp và nội nghiệp của các thành viên được cải thiện sau khi tham gia các khóa tập huấn tại hiện trường. Các hành vi xâm hại, chặt phá rừng trái phép hay cháy rừng đã giảm đáng kể. Các nhóm thực hiện sẽ có trách nhiệm trong việc báo cáo lại thôn, xã về các hành vi vi phạm. Từ đó xã sẽ hướng dẫn, hỗ trợ cách giải quyết tối ưu nhất. Nhằm mục đích đảm bảo an toàn nhất cho thành viên trong nhóm.
Khi người dân làm chủ thực sự rừng của mình thì trách nhiệm của họ với rừng sẽ được nâng lên rõ rệt, do đó, chất lượng rừng cũng được nâng cao. Và điều này chỉ có thể diễn ra khi nhà nước thực sự trao quyền quản lý rừng cho cộng đồng dân cư thôn.
  1. Thách thức
Chính sách can thiệp, luật pháp liên quan đến quản lý rừng của hiện tại phần nào làm mất dần sinh kế truyền thống.
Cộng đồng dân tộc thiểu số gặp khó khăn trong việc thích ứng với các chương trình khuyến nông, đinh canh định cư, áp dụng mô hình canh tác dưới xuôi.
Chưa hiểu về các thủ tục pháp lý liên quan đến quản lý đất và rừng mà thường theo luật tục truyền thống.
  1. Kết luận
Phát huy quyền và địa vị pháp lý của cộng đồng dân cư thôn là một trong những chìa khóa quan trọng để góp phần vào quản lý rừng bền vững tại địa phương.
Mô hình CLB sử dụng rừng thân thiện môi trường đã giúp phát huy quyền và trách nhiệm của cộng đồng dân tộc thiểu số tham gia vào quản lý bảo vệ và phát triển rừng. Nó góp phần quan trọng trong quản lý rừng bền vững tại địa phương.
Vai trò của phụ nữ và tiếng nói của người dân tộc thiểu số được nâng cao hơn từ mô hình CLB sử dụng rừng thân thiện môi trường.
Trách nhiệm của cộng đồng dân tộc thiểu số đã phát huy khi họ được công nhận như là một chủ thể quản lý rừng thật sự.
  1. Kiến nghị
Mô hình CLB sử dụng rừng thân thiện môi trường đã thể hiện tính hiệu quả của nó. Do đó, cần nhân rộng mô hình này tới các cộng đồng dân tộc thiểu số khác.
Để cộng đồng được quản lý tốt rừng của mình thì dự án nên tổ chức thêm các lớp tập huấn liên quan ngoại nghiệp và nội nghiệp.
Xây dựng một cơ chế phối hợp tốt giữa ba bên là CLB sử dụng rừng thân thiện môi trường, ban quản trị thôn và UBND xã là rất quan trọng. Nó sẽ tạo một thế kiềng ba chân vững chắc trong quản lý rừng cộng đồng tại địa phương.
Đảm bảo sự tham gia của phụ nữ và nam giới trong các hoạt động dự án sẽ giúp cân bằng vị thế trong xã hội.
Phát triển sinh kế là một trong những bài toán cần lưu ý trong thời gian tới của dự án. Nhằm đảm bảo rằng rừng được quản lý tốt và sinh kế người dân được cải thiện.
Các nhà quản lý và hoạch định chính sách cần thiết kế và thực thi các chính sách phù hợp với từng vùng từng địa phương và đảm bảo đầy đủ các quyền của cộng đồng khi tham gia vào quản lý rừng tự nhiên.

Nhân rộng mô hình mới về quản lý bền vững rừng tự nhiên và giúp cân bằng các lợi ích môi trường trong khi vẫn duy trì cuộc sống và văn hóa của cộng đồng dân tộc thiểu số

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét