Chủ Nhật, 28 tháng 10, 2012

MỘT MÙA ĐÔNG “THẤP THỎM”



Chưa bao giờ người dân của thôn Thái Dương Hạ Nam lại: “thấp thỏm” như thế này, khi đường kè cứ ngày càng bị sạt lỡ nặng hơn. Chưa tới những ngày cao điểm của bão, chỉ với những cơn gió mạnh thôi thì hàng loạt cây dương đã bị trôi ra biển.

Xã Hải Dương là một trong những địa phương thuộc hệ thống đầm phá Tam Giang với đường bờ biển dài khoảng 7 km, sinh kế người dân nơi đây phụ thuộc rất nhiều vào biển. Trong bối cảnh ảnh hưởng của Biến đổi Khí hậu ngày càng tăng thì đời sống của cộng đồng địa phương ngày càng khó khăn hơn.

Với hàng dương chạy dọc bờ biển của xã có tác dụng ngăn bão, hạn chế gió ảnh hưởng đến người dân. Vì thế cây dương ở đây đóng vai trò rất quan trong, tuy nhiên trong những năm gần đây số lượng dương đã suy giảm trầm trọng do ảnh hưởng của bão.

Từ năm 2007 đến 2010 xã Hải Dương đã cho xây dựng một đường kè chữ A dài khoảng 2 km để ngăn bão ảnh hưởng. Tuy nhiên vào năm 2010,  cơn bão Shenchu đã phá hũy một đoạn kè khoảng 50m và đến nay tăng lên khoảng 600m, mỗi năm trôi qua thì bờ kè lại dịch ra biển nhiều hơn. Nhiều cây dương, đất đai cũng bị cuốn theo. Tuy đã có phê duyệt dự án làm bờ kè mới dài 600m từ chính quyền thị xã Hương Trà nhưng hiện nay người dân vẫn không hiểu vì sao lại chưa triển khai. Nếu mùa đông này các cơn bão xảy ra với cường độ mạnh thì có nguy cơ đoạn đường nối với xóm Hương Giang, thôn Thái Dương Hạ Nam sẽ bị đứt và 185 hộ với hơn 823 khẩu sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, trong đấy 53 hộ với 232 khẩu của xóm Hương Giang sẽ bị cách ly hoàn toàn. Vì thế trong thời gian qua, người dân trong thôn rất lo lắng.

Anh Trần Văn Khánh, trưởng thôn Thái Dương Hạ Nam cho biết vào lúc 13h ngày 16/9 vừa rồi chỉ có gió thổi mạnh tí thôi mà đã làm 15 cây dương trôi hoàn toàn ra biển và hơn 22 cây bị bưng gốc, nguy cơ sống cũng khó. Bờ biển bị lẫn vào thêm từ 3 đến 4m. “Với tình hình như thế này thì vài bửa nửa bão chắc trụ không nỗi rồi”, Anh Khánh tâm sự.

Xã Hải Dương là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nhất về bão hằng năm tại tỉnh Thừa Thiên Huế và ảnh hưởng trực tiếp sinh kế của người dân. Trước thực trạng này Trung tâm Phát triển Nông thôn Bền vững -  SRD có hỗ trợ tăng cường năng lực cho các đội xung kích 6 thôn của xã về kiến thức biến đổi khí hậu, kỹ năng sơ cấp cứu và cứu hộ cứu nạn. Về người dân SRD đã thực hiện các khóa tập huấn Giảm nhẹ rủi ro thiên tai thích ứng với biến đổi khí hậu cho người nghèo tại xã. Tuy nhiên đễ có thể giúp người dân sống chung được với bão lũ thì chính quyền địa phương cũng nhanh chóng có biện pháp can thiệp kịp thời. Và việc khẩn cấp hiện nay cần làm là thực hiện ngăn kè kịp thời đoạn kè tại thôn Thái Dương Hạ Nam để người dân có thể yên tâm sinh hoạt và làm kinh tế.

Minh Gia

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét